Giám đốc Lý Láo Lở và các nhân viên cân đong lượng cây dược liệu để nấu thuốc tắm.
Chỉ từ những lá, rễ, thân cây rừng… với tri thức dân gian được truyền đời qua nhiều thế hệ, người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai đã sáng tạo nhiều bài thuốc quý để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Và một trong những người đang nắm giữ bí quyết này là bà Chảo Sử Mẩy, ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn.
Bà Sử Mẩy giảng giải từng loại dược liệu và công dụng từ những loại dược liệu mang lại khi kết hợp tạo ra loại nước tắm dược liệu nỏi tiếng của người Dao Đỏ với phóng viên và cả khách hàng khi tới thăm và tìm hiểu Công ty Cổ phần Sapanapro.
“Cái cây thuốc bổ máu tên là đìa ùy, đìa xiêu… Bổ thai đấy là chờ o mia, cờ lỉ sần, chợ pờ chang nia. Người Dao đỏ sinh con có nhà khó khăn phải đi làm sớm, 5 – 10 ngày đã phải đi làm. Thế là đi làm về phải đun các loại cây thuốc này tắm sau già thì nó không bệnh tật. Mình cứ tắm thuốc thường xuyên. Đẹp da, xanh tóc có hà thủ ô uống, một lần tắm 7 loại lá. Một tháng tắm 5 lần” - Bà Sử Mẩy chia sẻ.
Từ dược liệu chỉ phục vụ cho cuộc sống gia đình, với khát vọng vươn lên, cộng đồng người Dao Đỏ đã thành lập Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa, hay còn gọi là Sapanapro do Lý Láo Lở, con trai bà Chảo Sử Mẩy làm giám đốc. Thương hiệu bạc tỷ giúp nhiều đồng bào Dao Đỏ thoát nghèo.
Giám đốc Lý Láo Lở nhiệt tình giới thiệu quy trình làm thuốc với phóng viên: Sau khi bà con lấy cây thuốc về đến đây, mình phân loại hết. Sau đó mình mới bắt đầu đưa vào để mình cắt, thái như thế này. Cắt hái xong mình bắt đầu đưa vào thùng rửa. Rửa xong mình đóng bao cho vào nồi trên này nấu.
Nhân công ở xưởng của Lở đều là người Dao và họ đã gắn bó nhiều năm với Sapanapro. Những lao động trực tiếp ở đây đều có thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.
Vàng Sao Tả nhân công tại xưởng thuốc chia sẻ: Em làm được khoảng 3 năm rồi. Em nhà ở thôn Tả Chải. Em chủ yếu là sản xuất thuốc, nấu thuốc cho mấy đơn hàng khách đặt. Đến thời gian thay thì mình thay thuốc, trông lửa để chưng cất thuốc. So với làm nương thì nó nhàn hơn, gần nhà nữa.
Thành lập từ năm 2006, Công ty Cổ phần Sapanapro ban đầu chỉ có 13 hộ gia đình tham gia. Đến nay, sau 15 năm, công ty đã có 115 cổ đông. Tổng doanh thu mỗi năm đạt từ 8 – 10 tỷ đồng.
Cho tới nay, nhiều người dân Tả Phìn đến giờ vẫn ngỡ ngàng, chẳng thể ngờ thương hiệu thuốc tắm của người Dao Đỏ lại đi xa đến như vậy.
Chị Phàn Mắn Mẩy thì nói rằng, ngay cả trong mơ, cũng không dám nghĩ hai vợ chồng nông dân, không biết một con chữ như mình lại trở thành cổ đông của Sapanapro: Cũng rất vui cả cộng đồng người Dao có một công ty. Mình làm cổ đông. Cổ phần thì ngày xưa chỉ đóng góp công, đóng góp sức đi làm nền nhà. Mỗi người góp một tí tiền, nghèo quá chỉ góp 500.000 thôi. Tiền lãi cổ đông cả chồng, cả vợ được 9 – 10 triệu/năm. Dù số tiền lãi thu được từ cổ phần chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm nhưng với những nông dân cổ đông này, đó là một niềm vui lớn. Bởi nó giúp các gia đình có thêm một khoản dành dụm để tăng gia sản xuất, để làm homestay.
Chị Lý Mẩy, một nhân công vừa thoăn thoắt phân loại dược liệu vừa chia sẻ về cách tính cổ phần của : Góp công tính cổ phần. Cuối năm mình tổng kết công ty thì mình theo cổ phần. Thu nhập cái tiền thuốc, cái cổ phần đấy mình để dành để mua các thứ.
Khi chị Lý Mẩy nói, chị Phàn Mẩy cũng góp vào : Vui, hạnh phúc lắm. Thuốc đi rất nhiều nơi, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Đâu đâu cũng có.
Niềm vui lấp lánh trên gương mặt của những người phụ nữ Dao đỏ ở Tả Phìn. Những bí quyết gia truyền bao năm lặng lẽ trong những mái nhà thưng ván gỗ, nay trở thành thương hiệu bạc tỷ. Nếu như không có sự tâm huyết của giám đốc Lý Láo Lở, sự đồng lòng của người Dao đỏ thì có lẽ, những bài thuốc ấy cũng chỉ âm thầm như những ngọn núi ở Tả Phìn./.